Khám chữa bệnh từ xa để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe
Đổi mới hoạt động của y tế cơ sở để người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn là điều luôn được ngành y tế quan tâm, thúc đẩy. Một trong số đó là giải pháp khám chữa bệnh từ xa.
Đổi mới hoạt động để người dân vùng khó được hưởng dịch vụ y tế tuyến trên ngay gần nhà
Đảng, nhà nước luôn khẳng định vai trò của y tế cơ sở là nền tảng. Lãnh đạo ngành y tế luôn coi y tế cơ sở (gồm y tế tuyến huyện trở xuống) là “bàn đạp của ngành y tế” từ đó xây dựng lên những công trình “kiến trúc thượng tầng” với quan điểm là làm sao để phục vụ nhân dân nhanh nhất, gần nhất. Vì thế, đổi mới hoạt động của y tế cơ sở để người dân được hưởng dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại cơ sở là điều luôn được quan tâm, thúc đẩy. Một trong số đó là giải pháp khám chữa bệnh từ xa.
Có thể nói, khám chữa bệnh từ xa, ngoài việc bắt nhịp với dòng chảy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, còn là giải pháp nhân văn, xóa mờ khoảng cách và tạo sự bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết ngày 22/6/2020 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin y tế, Bộ Y tế, cho biết tháng 9/2020, Bộ Y tế khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa, đến nay, gần 2.000 điểm cầu Telehealth được kết nối từ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên.
Từ 24 bệnh viện tuyến trên được chỉ định tham gia mạng lưới đề án khám chữa bệnh từ xa từ tháng 6/2020, đến nay, con số này đã tăng lên hơn 100 bệnh viện hạt nhân. Không còn giới hạn về không gian trong khám chữa bệnh, cũng không có người dân nào bị bỏ lại phía sau là mục tiêu lớn của đề án này. Cùng với đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.
Bác sĩ tuyến xã cũng “hòa sóng từ xa”
Không chỉ các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện được tham gia mạng lưới kết nối hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, một sáng kiến của Bộ Y tế và chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) có tên “Bác sĩ cho mọi nhà” còn giúp trạm y tế xã “hòa sóng” khám chữa bệnh từ xa này.
Ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại, máy tính bảng, máy tính.., tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ trạm y tế xã, người dân có thể tiếp cận được các bác sĩ giỏi ở tuyến trên. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay ứng dụng công nghệ vào khám chữa bệnh từ xa cho tuyến y tế cơ sở mở ra cơ hội lớn cho thầy thuốc y tế tuyến xã, huyện trong việc kết nối, nâng cao đào tạo chia sẻ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, thu hẹp khoảng cách giữa bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới.
“Đây chính là cơ hội tạo sự bình đẳng cho tất cả mọi người dân tiếp cận với các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt các thầy thuốc có trình độ”, ông Khoa nói. Ngoài việc từng cá nhân được khám chữa bệnh, với sự tham vấn, tư vấn từ xa của bác sĩ tuyến trên, bác sĩ tại xã có thể sử dụng kiến thức đó để khám cho nhiều người dân ở cơ sở.
Được triển khai từ năm 2020, ở giai đoạn 2, ứng dụng được triển khai tại 5 tỉnh gồm Đắk Lắk, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bình Định và Cà Mau, thực hiện tại 1.403 cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, tất cả đều được kết nối thông suốt với trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế. 755.000 tài khoản cho người dân đã được tạo, khoảng 28.000 yêu cầu hẹn khám đã đặt thông qua hệ thống này tính tới tháng 6.
Sau hơn 3 năm thực hiện, không chỉ cán bộ y tế địa phương đón nhận tích cực, mà người dân rất ủng hộ, tham gia có hiệu quả dịch vụ miễn phí này. Nhiều bà con dân tộc thiểu số được các bác sĩ tuyến cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ tuyến trên nên rất tin tưởng và lan truyền nhiều người cùng sử dụng.
Ông Khoa cũng cho rằng ứng dụng này thể hiện rõ vai trò của chuyển đổi số đối với việc thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, tạo sự kết nối giữa bác sĩ và người dân chặt chẽ hơn, giúp việc chăm sóc sức khỏe không bị gián đoạn; Tăng cường công tác khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở cho người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, bao gồm cả những người dân tộc thiểu số và những người khuyết tật với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo Báo Vietnamnet